GIÁ TRỊ CỦA PHÉP TU TỪ TRÙNG NGỮ TRONG VĂN CHÍNH LUẬN

01
01
'70

GIÁ TRỊ CỦA PHÉP TU TỪ TRÙNG NGỮ TRONG VĂN CHÍNH LUẬN

Ts. Trương Thùy Hương

 

1. Khái niệm trùng ngữ

          Hiện tượng trùng ngữ là một biện pháp tu từ sử dụng nhiều phương tiện ngôn ngữ hơn mức bình thường để diễn đạt một nội dung nào đó, gây ra cảm giác khác lạ cho người đọc / người nghe. Phép trùng ngữ trong tiếng Việt có thể có cấu trúc cụm từ, mệnh đề và mệnh đề tự qui chiếu.

          Tác giả Charles E. Bennett quan niệm: Trùng ngữ cụm từ là một ngữ thức quá đầy đủ đến mức không cần thiết, ví dụ: đầu tiên tôi sẽ nói trước.

          (Pleonasm is an unnecessary fullness of expression; as, I will first say in advance). [3, Tr. 250]

          Về mặt từ nguyên, pleonasm bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp pleon có nghĩa là nhiều hoặc quá nhiều, là cách dùng nhiều từ hoặc bộ phận của từ  hơn mức cần thiết để diễn đạt, ví dụ bóng tối màu đen, ngọn lửa đang cháy).

         Theo Cao Xuân Hạo, “trùng ngữ là một ngữ đoạn chính phụ trong đó yếu tố làm phụ ngữ (tính từ cho danh từ, trạng ngữ cho vị từ…) lặp lại một thuộc tính đã có sẵn trong từ (hay ngữ) trung tâm như một thành tố nghĩa của nó. Ví dụ: a/ một giống chim có cánh, b/ ánh nắng mặt trời, c/ lừa dối một cách thiếu trung thực, d/ ăn cắp một cách lén lút…” [2, tr. 3]

         Hiện tượng trùng ngữ xuất hiện trong ngôn ngữ đôi khi do sơ ý của người nói, làm cho câu văn dài dòng không cần thiết. Đây là hiện tượng rườm rà (redundant) mà chúng ta cần tránh. Tác giả Cao Xuân Hạo gọi đó là những lỗi logic khó dung thứ nhất [1, tr. 3]. Tuy nhiên không phải lúc nào trùng ngữ cũng là lỗi. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến hiện tượng trùng ngữ có ích, được tạo ra hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà có lý do, tức là có sự hợp lý. Trong khi phê phán những lỗi logic khó dung thứ nói trên, tác giả Cao Xuân Hạo nhấn mạnh: “trùng ngôn (trong đề tài này chúng tôi dùng thuật ngữ trùng ngữ mệnh đề) tuyệt nhiên không phải là một lỗi, dù là lỗi ngữ pháp hay lỗi logic. Dùng trùng ngôn trong những tình huống thích hợp là những hành động ngôn từ hoàn toàn bình thường và nhiều khi rất đắc dụng”. [1, tr. 5]

2. Trùng ngữ trong văn chính luận

         Trong phong cách chính luận, khác với nghịch ngữ thực hiện chức năng tác động và thẩm mỹ bằng sự súc tích khiến người nghe phải tự khám phá, tự phát hiện tầng nghĩa hàm ẩn của ngôn từ. Trùng ngữ sử dụng chiến thuật ngược lại. Nó tác động đến người nghe bằng cách cung cấp một thông tin nhiều lần, cung cấp bằng nhiều cách, sử dụng nhiều phương tiện ngôn ngữ khác nhau. Điều này làm tăng tính thuyết phục của các văn bản mang nội dung diễn thuyết, kêu gọi nhằm thu hút sự chú ý từ đó tác động đến nhiều người.

Giá trị tác động và thuyết phục

          Trùng ngữ được sử dụng trong văn chính luận không phải vì quy luật hài âm mà chủ yếu để giải thích, chứng minh luận điểm của người nói nhằm mục đích tác động, thuyết phục người nghe. Ví dụ trong bài nói chuyện tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban tuyên giáo Trung ương ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:

“Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình...”  Hồ Chí Minh [4, tr. 554]

          Trùng ngữ tự mình đào thải mình là một trùng ngữ tự quy chiếu, thể hiện sự nguy hiểm của việc không chịu khó học tập và hậu quả của nó. Rõ ràng người nói muốn thuyết phục người nghe bằng mọi cách phải tránh hậu quả đó, phải chịu khó học tập.

          Nói chuyện với các thầy cô giáo tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày  21-10-1964, Bác Hồ cho rằng:

“Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.

Hồ Chí Minh [5, tr. 331]

Trùng ngữ thầy giáo xứng đáng là thầy giáo được sử dụng làm bộ phận giải thích của câu, cụ thể giải thích cho cụm danh từ Người thầy giáo tốt. Nó làm cho câu rõ nghĩa hơn, chặt chẽ hơn, dễ hiểu hơn, tính thuyết phục cao hơn.

Trong bài Lễ cưới, Bác khen đồng chí binh nhì Dương Thắng và vợ chưa cưới cũng như các đoàn viên thanh niên biết đặt việc công lên trên việc tư sau:

Một lòng bảo vệ nước nhà

Thanh niên như thế mới là thanh niên.

Hồ Chí Minh [5, tr. 417]

Thanh niên (1): đồng chí Thắng và vợ chưa cưới

Thanh niên (2): thanh niên Việt Nam nói chung

           Trùng ngữ này chắc chắn sẽ có tác động đến đông đảo thanh niên Việt Nam, khích lệ họ đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, khát khao cống hiến cho tổ quốc.

           Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi trình bày quan điểm của chính phủ về chăm lo sự nghiệp giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, tương lai của dân tộc đã nói:

“Trong sự nghiệp này, ta có lợi thế là nhân dân ta có truyền thống hiếu học, ham học, thông minh, cần cù, chịu khó, mọi người đều chịu đựng thiếu thốn, dành dụm những gì có thể, nhằm bảo đảm cho con em mình ăn học đến nơi, đến chốn”.

     Có lẽ ông không hài lòng với cụm từ Hán-Việt hiếu học nên bổ sung thêm một cụm từ gần gũi hơn, dễ hiểu hơn là ham học chăng? Trong ví dụ sau đây, tác giả dùng trùng ngữ không phải vì lý do khó hiểu mà tác giả muốn nhấn mạnh quan điểm của mình về tầm quan trọng của giáo dục:

“Trên đây nói về giáo dục là quốc sách, bây giờ nói thêm về hàng đầu, vậy hàng đầu là thế nào? Nói hàng đầu có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước. Hiện nay ở nước ta, nhân dân đòi hỏi một cách thiết tha, một cách khẩn trương, một cách thiết thực cả hai: giáo dục phải xếp ở hàng thứ nhất và đi trước một bước chứ nhất định không để nó ở hàng bét và lẹt đẹt theo sau”. [6]

     Gần đây, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2013 có nhan đề Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói:

“Đối thoại Shangri-La đã tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác an ninh đa phương và tìm giải pháp cho những thách thức đang đặt ra. Nhưng có thể nói rằng, vẫn còn thiếu – hay ít nhất là chưa đủ – lòng tin chiến lược trong việc thực thi các cơ chế đó. Điều quan trọng trước hết là phải xây dựng sự tin cậy lẫn nhau trước các thử thách, các tác động và trong tăng cường hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, các tầng nấc, cả song phương và đa phương”. [7]

Người nói rõ ràng muốn nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề thiếu vắng lòng tin, người nói muốn tác động đến người nghe không phải một lần mà là hai lần. Trùng ngữ còn thiếu – chưa đủ đã đáp ứng điều đó.

Tiểu kết

            Trùng ngữ là một kết cấu ngôn ngữ đặc biệt. Về mặt hình thức, chúng có cấu tạo đa dạng. Về mặt ngữ nghĩa, trùng ngữ được xây dựng trên hai mối quan hệ: quan hệ đồng nhất và quan hệ bao hàm với nhiều kiểu loại khác nhau. Trùng ngữ được sử dụng rộng rãi trong các phong cách ngôn ngữ như: khẩu ngữ, nghệ thuật, hành chính, chính luận và có những đóng góp to lớn trong việc thực hiện chức năng của từng phong cách cụ thể. Chúng ta không nên nhầm lẫn trùng ngữ với các hiện tượng trùng lặp, dư thừa, rườm rà. Trùng ngữ là hiện tượng ngôn ngữ có giá trị nghệ thuật cao nhưng hiện nay ở Việt Nam, việc nghiên cứu hiện tượng trùng ngữ chưa được quan tâm. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đó là một công việc cần thiết và thú vị không chỉ với các nhà ngôn ngữ học mà với cả các giảng viên dạy tiếng. Hiểu đúng, hiểu đầy đủ hiện tượng này và biết cách sử dụng chúng không chỉ nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà còn giúp chúng ta bồi dưỡng thêm cách tư duy logic, cách nhìn nhận vấn đề toàn diện và hợp lý, từ đó nâng cao nhận thức của con người đối với thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Quyển 1, NXB Khoa học Xã hội.
  2. Cao Xuân Hạo (1997), Anh trai, chị gái có phải là trùng ngữ không?, Ngôn ngữ và đời sống, 12(26).
  3. Charles E. Bennett (Charles Edwin 1858-1921) (1918), New Latin grammar, Allyn and Bacon.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Ngữ văn lớp 9 tập 1, NXB Giáo Dục.
  5. Hồ Chí Minh toàn tập (2000), NXB Chính trị quốc gia, tập 11
  6. http://giaoducthudo.com.vn/tin-tuc/16-pham-van-dong-nha-chinh-tri-giao-duc-  uu-tu-cua-dat-nuoc-1708.html
  7. http://nguyentandung.org/bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung-tai-doi-thoai-shangri-la-2013.html

 

 

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội