MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN QUA DỰ ÁN NHÓM

01
01
'70

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP  CỦA SINH VIÊN QUA DỰ ÁN NHÓM

 

TS. Trương Thùy Hương - Khoa LLCT&KTĐC

        Dự án nhóm (group projects) là những bài tập lớn mà giảng viên yêu cầu sinh viên áp dụng các kiến thức lý thuyết đã học trong toàn bộ học phần để phân tích, tìm hiểu, mổ xẻ một vấn đề, hoàn cảnh, sự việc có thật trong thực tế. Nói cách khác, dự án nhóm là sự kết hợp lí thuyết với thực tiễn giúp cho việc học tập thêm hiệu quả.  

        Sử dụng các bài tập dự án nhóm trong giảng dạy có rất nhiều ưu điểm. Trước hết, nó nâng cao tính thực tiễn trong khi học. Trong suốt khóa học tại trường, sinh viên được cung cấp rất nhiều lý thuyết về môn học hay ngành học của mình. Vì điều kiện ở các trường hiện nay, việc đi tham quan hay tìm hiểu thực tế là khá hiếm hoi. Chính vì vậy, một bài tập lớn gắn với tình huống thực tế liên quan đến môn học sẽ giúp cho sinh viên áp dụng tốt lý thuyết vào thực tiễn hơn. Bên cạnh đó nó khơi gợi tính chủ động, sáng tạo và đặc biệt là sự hứng thú trong quá trình học tập của sinh viên. Phương pháp thuyết giảng cung cấp kiến thức lý thuyết một chiều, còn bài tập dạng này giúp sinh viên có thể vận dụng những kiến thức đã học để phân tích tình huống hay sáng tạo ra các cách giải quyết tình huống đó dựa trên lý thuyết mà họ được học. Điều này giúp cho sinh viên chủ động, hứng thú hơn rất nhiều và trong quá trình giải quyết tình huống không gì có thể ngăn cản óc sáng tạo của họ. Ngoài ra phương pháp này giúp nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và các kỹ năng khác. Khi bài tập được giao, các sinh viên chia nhóm để cùng nhau làm việc. Các em phải có sự phân công cụ thể trong nhóm để cùng nhau hoàn thành công việc. Chính vì vậy mà kỹ năng làm việc nhóm tăng lên, đây là kỹ năng rất cần thiết cho sinh viên không chỉ trong quá trình học tập mà còn hết sức hữu ích sau khi ra trường và bắt đầu làm việc. Cùng với đó là các kỹ năng về phân tích cũng như trình bày và giải quyết vấn đề cũng được tích lũy trong quá trình bảo vệ đề tài của nhóm. Về phía giảng viên, khi hướng dẫn sinh viên làm các dự án nhóm, bản thân họ cũng thu lại được rất nhiều kinh nghiệm và cách giải quyết khác nhau từ sinh viên để làm phong phú hơn bài giảng của mình. Ưu điểm cuối cùng của phương pháp sử dụng bài tập dự án nhóm là tính ứng dụng rất cao. Đôi khi một số kết quả nghiên cứu của sinh viên lại chính là những sản phẩm mà họ có thể sử dụng cho công việc của họ sau khi đã ra trường.

         Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn đề cập đến hiệu quả của việc dùng bài tập dự án nhóm để đánh giá kết quả học tập của sinh viên sau khi kết thúc học phần. Chúng ta vẫn quen với cách đánh giá người học qua các bài thi viết (tự luận hoặc trắc nghiệm), bài thi vấn đáp, bài thi thực hành. Những bài thi này giúp giảng viên đánh giá được mức độ lĩnh hội kiến thức của sinh viên, khả năng liên hệ vận dụng lí thuyết để giải quyết một vấn đề thực tiễn ở một mức độ nhất định hoặc kiểm tra được một số kĩ năng thực hành của sinh viên. Tuy nhiên giảng viên đã không thể thấy được niềm cảm hứng và sự sáng tạo của người học trong những bài thi này. Đánh giá người học bằng bài tập dự án nhóm giúp khắc phục được nhược điểm trên. Thực tế giảng dạy của Tiến sĩ John Stiles tại các lớp đại học truyền thông vừa qua đã chứng minh điều đó. Với học phần Truyền thông và văn hóa (2 tín chỉ) được giảng dạy trong 3 ngày, giảng viên đã cung cấp cho sinh viên một số nội dung cơ bản như phát triển truyền thông xuyên văn hóa, các kiểu truyền thông, văn hóa bề mặt và văn hóa sâu, phương pháp giao tiếp hiệu quả giữa các nền văn hóa khác nhau… học phần cung cấp nhiều thuật ngữ hết sức trừu tượng như siêu xa lộ xuyên văn hóa, chủ nghĩa vị dân tộc, chủ nghĩa đa văn hóa, sốc văn hóa, không gian thứ ba trong giao tiếp… Sau khi kết thúc khóa học, để đánh giá kết quả học tập của người học, Tiến sĩ John Stiles yêu cầu các nhóm sinh viên làm bài tập dự án của nhóm mình.  Các nhóm được yêu cầu sáng tạo ra một sản phẩm truyền thông, dùng kiến thức đã học để phân tích, phản ánh một tình huống thực tế, từ đó chuyển tải một thông điệp hiệu quả nhất đến cộng đồng. Đây thực sự là một thách thức vì thời gian quá ngắn, sinh viên chỉ có một ngày để thực hiện ý tưởng của mình. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu của các em dưới hình thức các sản phẩm truyền thông đã tạo sự bất ngờ lớn cho giảng viên. Đó là những video clip ngắn hoặc những bộ phim hoạt hình (animation) đơn giản nhưng đầy sáng tạo, đầy cảm xúc, chuyển tải những khái niệm trừu tượng của lĩnh vực truyền thông và văn hóa đến người nhận một cách vô cùng sinh động. Trong bộ phim hoạt hình Mê Kông river (Dòng sông Mê Kông), dòng sông được nhân hóa thành một cậu bé kể lại câu chuyện đời mình từ nơi bắt đầu đến khi ra biển lớn. Thông điệp mà bộ phim gửi đi là: văn hóa là một dòng chảy, là một quá trình phát triển với những bản sắc riêng của từng vùng miền nhưng đồng thời văn hóa cũng là chia sẻ và kết nối. Trong video Beauty (Vẻ đẹp) người xem có thể nhận thấy trong hai tình huống khác nhau, hành vi ứng xử của cùng một nhóm bạn trẻ hoàn toàn khác nhau: tích cực và tiêu cực. Thông điệp gửi đến người nhận là: hành vi con người là bản chất của văn hóa. Chỉ con người mới có hành vi. Phân tích hành vi của con người là chìa khóa để tìm hiểu một nền văn hóa. Video You only live once (Bạn chỉ sống một lần) phản ánh một thực tế đáng buồn trong giới trẻ hiện nay đó là các vụ tự tử xuất hiện ngày càng nhiều. Nữ sinh trong video này đã kịp thời dừng lại, không hành động dại dột nhờ sự xuất hiện đúng lúc của một thiên thần. Thiên thần chính là hiện thân của sự quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm.  Đó là những yếu tố cần thiết để có thể giao tiếp thành công. Thông điệp truyền đi rất rõ ràng:“You only live once, never give up, you must respect and love yourself” (Bạn chỉ sống một lần, đừng bao giờ từ bỏ, hãy tôn trọng và yêu quí bản thân mình).

         Ba sản phẩm Beauty (Vẻ đẹp), You only live once (Bạn chỉ sống một lần) Mê Kông river (Dòng sông Mê Kông) là những tác phẩm tiêu biểu của các nhóm sinh viên mà người viết muốn giới thiệu trong khuôn khổ bài viết này. Từ thực tế này, người viết tin tưởng chắc chắn rằng dùng bài tập dự án nhóm để đánh giá kết quả học tập của sinh viên là một cách làm hay và hiệu quả, khơi gợi cảm hứng và kích thích sáng tạo nơi người học – điều mà hiện nay chúng ta đang rất cần.

   

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội