ANH HÙNG NGUYỄN VĂN THƯƠNG – MỘT NGƯỜI PHI THƯỜNG
Hưởng ứng những hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), bài viết gới thiệu về người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương – chiến sĩ cách mạng với phẩm chất anh hùng trong sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam là một đất nước trải qua nhiều cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc với bao khó khắn và hy sinh lớn. Song, với tinh thần bất khuất, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập, tự do và đang tự lực, tự cường hội nhập cùng sự phát triển của nhân loại. Trong quá trình đấu tranh giành lại độc lập, tự do đó, có những người mà trí tuệ, hành động và ý chí can trường, trở thành những huyền thoại. Một trong những con người như thế chính là anh hùng Nguyễn Văn Thương – người chiến sĩ cộng sản kiên trung, biểu tượng cho ý chí kiên định, tinh thần bất khuất của một người Việt Nam yêu nước.
Tiểu sử và con đường hoạt động cách mạng
Nguyễn Văn Thương (còn gọi là Hai Thương) sinh năm 1938 tại Lộc Hưng, Trảng Bàng, Tây Ninh. Vì cả cha và mẹ đều tham gia cách mạng nên từ nhỏ ông phải sống với người thân. Năm 1947 ông nhận tin mẹ hy sinh ở nhà tù Côn Đảo, năm 1959 cha ông hy sinh ở nhà tù Tây Ninh. Mang trên vai nợ nước, thù nhà, Nguyễn Văn Thương đăng ký tham gia cách mạng vào tháng 5 năm 1959 để tiếp nối truyền thống của gia đình. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là chuyển thư, điện báo từ Tây Ninh xuống Long Khánh (Đồng Nai) và rải truyền đơn trong đồn điền cao su. Năm 1961 ông được chuyển về đơn vị trinh sát, giữ nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ), rồi được giới thiệu sang ngành tình báo dưới sự huấn luyện trực tiếp của Đại tá Nguyễn Nho Quý (Trưởng Ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn). Là một điệp viên nên khi lấy vợ chỉ có tổ chức và gia đình biết, do vậy vợ ông – chiến sĩ Hai Em phải mang tiếng chửa hoang. Năm 1967 về làm mũi trưởng giao liên Cụm tình báo A36 chuyên chuyển thông tin quan trọng từ các điệp viên đã “luồn sâu, leo cao” vào hàng ngũ địch về Trung ương Cục (R) và ngược lại. Trong 10 năm (1959 – 1969) ông đã lăn lôn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và nguy hiểm trong vùng chiến sự nóng rát ở khu vực Bắc Sài Gòn, thực hiện thành công hàng nghìn lần chuyển nhận chỉ thị, tài liệu cũng như đưa đón cán bộ từ ngoài căn cứ vào trong Sài Gòn và từ Sài Gòn ra căn cứ. Ông bị bắt vào tháng 02/1969 khi đang trên đường chuyển tài liệu. Trước khi bị bắt ông kịp thời giấu kín hai tập tài liệu mật của các điệp viên đã luồn sâu vào lòng địch.
Chiến thắng “viên đạn bọc đường” và lưỡi cưa thép
Sau khi bị bắt, địch biết ông là một chiến sĩ tình báo quan trọng nên đã sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để khai thác thông tin. Đặc biệt, những chiêu trò này do CIA (cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ) bày ra. Đây là một cơ quan có những công cụ tác nghiệp hiện đại nhất hành tinh, những mật vụ được đào tạo bài bản, nắm rõ tất cả những ngóc ngách thuộc về tâm lý, tính cách, bản năng… của con người.
Cuộc đấu tranh không cân sức giữa người chiến sĩ cộng sản bị bắt với quân Mỹ - Ngụy diễn ra sau một đêm tra tấn dạo đầu với dấu ấn là cánh tay bị gãy và vết thương do đạn bắn ở chân bị khoét to thêm bởi lưỡi lê của địch. Sau đêm dạo đầu đầy bạo lực và không kém phần tàn bạo của địch, thông tin không mong muốn mà họ nhận được do ông nghĩ ra đó là: tên Nguyễn Trường Hân, là thanh niên trốn lính, không biết chữ.
Trong 100 ngày đầu tiên, CIA đã lên một kịch bản hoàn hảo đầy mật ngọt hòng mua chuộc ông, hoặc nắm bắt những sơ hở do dục vọng hay sự phản xạ tâm lý tạo ra. Đó là cuộc sống tiện nghi với sự cung phụng chu đáo, ân cần trong sinh hoạt hàng ngày, sự thân mật, tôn trọng của kẻ thù đối với ông. Cụ thể, họ đưa ông vào sống trong một biệt thự hoa lệ với sự chăm sóc, chia sẻ, khiêu gợi của người đẹp Thùy Dương. Bên cạnh đó, họ còn đưa ra những lời hứa với cấp hàm trung tá và cuộc sống tiện nghi tùy thích ở các nước đồng minh với Mỹ. Dù vậy, là một điệp viên, ông hiểu rất rõ rằng họ đang gài bẫy và dụ dỗ mình, nên ông luôn luôn cẩn trọng tìm cách ứng phó cả trong hành động, lời nói, ánh mắt, sắc mặt… Suốt 100 ngày cân não đấu tranh tâm lý để giữ mình, cuối cùng ông đã chiến thắng. Kẻ thù nhận thấy dùng tiền, quyền và gái đẹp không lay động được ông, họ bắt đầu chuyển sang tra tấn.
Để ép ông khai báo với phương châm chỉ cần giữ lại cái lưỡi, họ đã thực hiện một hành động vô cùng man rợ: chỉ với một câu hỏi được lặp lại nhiều lần “mày là Nguyễn Văn Thương phải không?” không nhận được cái gật đầu, hai bàn chân của ông đã bị đập nát, mười ngón chân bị bẻ trật ra khỏi khớp. Hết hai bàn chân vẫn chưa có được thông tin mong muốn, địch lại dùng ông để làm thí nghiệm “đòn tra tấn kiểu tân thời” bằng cách cưa chân ông ra từng khúc. Sau mỗi lần cưa, khi vết thương chưa lành họ lại đánh vào vết thương của ông. Cứ thế cách 15 ngày họ lại cưa một đoạn chân của ông, lại đánh vào vết thương đang rỉ máu, tổng cộng họ đã 6 lần cưa cụt đôi chân ông. Dù trải qua sự đau đớn khủng khiếp của xác thịt và nhiều lần chết đi sống lại như thế, nhưng ông vẫn không tiết lộ một thông tin nào về bản thân, về tổ chức, quả thật ông là một người phi thường. Những đòn tra tấn cả tâm lý và xác thịt Nguyễn Văn Thương trải qua cho thấy, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của ông không chỉ chiến thắng được những thủ đoạn tàn độc của kẻ thù, mà còn chiến thắng cả sự phản xạ bản năng của một cơ thể sống, ông là NGƯỜI đúng nghĩa.
Sau bảy tháng tra tấn, CIA đã chào thua ông và đưa về giam cầm 20 tháng ở trại giam Hố Nai, chấp nhận (dù họ biết là không đúng) hồ sơ với thông tin: Nguyễn Trường Hân, mù chữ, là thanh niên trốn lính. Năm 1972 ông bị đày ra nhà tù Phú Quốc, được trả tự do ngày 14/02/1973 trong đợt trao trả tù bình sau Hiệp định Paris ký kết.
Những năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nguyễn Văn Thương vẫn đi khắp nơi để gặp gỡ, nói chuyện, truyền lửa cho các thế hệ sau về nghị lực sống, về sự cống hiến quên mình cho tổ quốc. Ngày 06/11/1978 Nguyễn Văn Thương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông qua đời vào ngày 13/3/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, an nghỉ tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương, hưởng thọ 81 tuổi.
Tấm gương anh hùng
Nguyễn Văn Thương là tấm gương tiêu biểu, điển hình cho tinh thần kiên cường, bất khuất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Ông cùng nhiều thế hệ thanh niên khác, đã dùng chính máu xương của mình để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Cuộc đời và sự hy sinh của ông là minh chứng nhắn gửi đến các thế hệ sau về giá trị của độc lập, tự do mà đất nước có được ngày nay. Lời nhắn gửi ấy nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn trân quý, tiếp nối, phát huy thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh để lại và truyền thống yêu nước của dân tộc; phải biết phải kính cẩn, nghiêng mình khi nhắc đến công đức của những người như anh hùng Nguyễn Văn Thương cùng các thế hệ cha anh đã nằm xuống cho đất nước này mãi mãi đứng lên.
Tài liệu tham khảo
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Chiến dịch Phượng Hoàng và người tình báo trung kiên Nguyễn Văn Thương. https://baotangchungtichchientranh.vn/, truy cập ngày 30/3/2025.
Mã Thiện Đồng .(2009). Người bị CIA cưa chân 6 lần. TP.HCM: Tổng hợp.
Ngọc Tuyết .(2018). Vĩnh biệt “người anh hùng thép” Nguyễn Văn Thương. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/, truy cập ngày 30/3/2025, dẫn theo
LƯƠNG NHƯ Ý
-
11072018
-
24072018
-
22012019
-
06062018
-
21092018
-
09042018
-
28052018
-
24072018
-
24072018
-
01042018
-
24072018
-
24072018