TÌM HIỂU NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 14 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (1/1968) VÀ CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG, NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN

01
01
'70

TÌM HIỂU NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 14 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (1/1968) VÀ CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG, NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN  

                         

ThS Vũ Văn Nam 

         Cuối năm 1964, đầu năm 1965, sau thất bại trong “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Đồng thời, dùng không quân, hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Với tiềm lực quân sự và kinh tế khổng lồ, giới cầm quyền Mỹ ảo tưởng sẽ mau chóng “bẻ gãy xương sống Việt cộng” ở miền Nam, “đẩy lùi miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, giành thắng lợi quyết định trong trong vòng 18 tháng, đè bẹp ý chí giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà bàn đàm phán theo những điều kiện áp đặt của Mỹ.

         Tuy nhiên, trước sự chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, sau thất bại của hai cuộc phản công chiến lược (1965 – 1966; 1966 – 1967) quân đội Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến tranh lâu dài ở Việt Nam và chưa biết bao giờ mới có thể kết thúc. Tiếp tục cuộc chiến với mong muốn mau chóng giành thắng lợi trong danh dự, chính phủ Mỹ quyết định đẩy mạnh cuộc chiến, liên tục tăng quân, tăng chi phí quân sự để thực hiện cho bằng được chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Tính đến cuối năm 1967, quân chiến đấu và quân chư hầu của Mỹ (Nam Triều Tiên, Ô-xtrây-li-a, Niu-di-lân, Thái Lan, Phi-lip-pin…) có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới hơn 500.000 quân, nếu chi phí cho cuộc chiến tranh Việt Nam 1965-1966 là 4,7 tỉ đô-la, thì năm 1967 đã tăng lên 30 tỉ, gấp 1,5 lần Mỹ đã chi cho cuộc chiến tranh Triều Tiên. Chi phí này đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước Mỹ đẩy nền kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng suy thoái (thâm hụt ngân sách 4 tỉ đôla), giá cả tăng vọt, lạm phát không kiểm soát được, phong trào phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam từng bước lan rộng toàn nước Mỹ đòi chính phủ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

          Trong bối cảnh đó, tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp và xác định nếu tiếp tục cuộc chiến theo kiểu cũ thì cuộc chiến sẽ vẫn giằng co, nhùng nhằng và chưa biết đến bao giờ mới có thể kết thúc. Cho nên, để làm thay đổi cục diện cuộc kháng chiến, Hội nghị đã quyết định mở cuộc Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa nhằm giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi quyết định tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được Hội nghị lần thứ 14 BCHTW khóa III họp vào tháng 1-1968 thông qua và trở thành NQ Hội nghị 14 BCHTWW. Với tên gọi: Nghị quyết Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

          Đánh giá một cách chuẩn xác âm mưu của đế quốc Mỹ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” và thực tế chiến trường miền Nam, hội nghị đi đến nhận định: "điểm cơ bản của tình hình vẫn là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn”(1). Trong hội nghị, đồng chí  Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng- lưu ý rằng: mặc dù quân Mỹ đang bị động, đang lâm vào thế khó khăn, “nhưng nó là kẻ mạnh, nên ta phải biết thắng nó”. Muốn thế, chúng ta không thể đánh theo lối cũ “mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, tức là giai đoạn TCK-TKN, buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta”(2). Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng hạ quyết tâm “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”( Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967). Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam,đưa cuộc chiến tranh cách mạng sang bước phát triển mới.

Để thực hiện quyết tâm đó, hội nghị xác định mục tiêu cụ thể của chiến lược tổng công kích, tổng khởi nghĩa là: tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân nguỵ, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân; đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm cho quân Mỹ không thể triển khai được âm mưu chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam; bẻ gãy ý chí xâm lược buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, tạo điều kiện để tiến tới hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

         Nghị quyết vạch rõ: Cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất mãnh liệt và phức tạp. Vì vậy, trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, chúng ta phải quán triệt nguyên tắc: Tập trung lực lượng quân sự và chính trị đến mức cao nhất, một cách hợp lý nhất, tiến công mãnh liệt vào những hướng chiến lược chính; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định, giành cho kỳ được thắng lợi ở những nơi quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được nhân tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gãy các cuộc phản công của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất.

Hội nghị dự kiến  cuộc tổng tiến công, nổi dậy đồng loạt có thể phát triển theo 3 khả năng:

“a) Khả năng thứ nhất là ta giành được thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, những cuộc công kích và khởi nghĩa của ta cuối cùng thành công ở các thành thị lớn và ta lần lượt đập tan được những cuộc phản kích của địch, làm cho địch thất bại đến mức không thể gượng lại được nữa, đè bẹp ý chí xâm lược của địch, bắt chúng phải chịu thua, phải thương lượng, đi đến kết thúc chiến tranh theo những mục tiêu và yêu cầu của ta.

b) Khả năng thứ hai là tuy ta giành được những thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi, nhưng địch cố gắng tập trung và tăng viện thêm lực lượng từ ngoài vào, giành lại và giữ vững được những vị trí quan trọng, ổn định được các thành thị lớn, nhất là "đô thành" và dựa vào các căn cứ lớn để tiếp tục chiến đấu với ta.

c) Khả năng thứ ba là Mỹ động viên và tăng viện thêm nhiều lực lượng, mở rộng chiến tranh cục bộ ra miền Bắc Việt Nam, sang Campuchia và ở Lào, hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng.” (3)

         Trong ba khả năng đó, Hội nghị nhấn mạnh đến khả năng thứ nhất, cần tập trung mọi nỗ lực phi thường, đem hết tinh thần và lực lượng để giành thắng lợi theo khả năng này. Đồng thời, sẵn sàng đối phó với khả năng thứ hai và cảnh giác, đề phòng để chủ động đối phó với khả năng thứ ba.

          Về hướng tấn công, Nghị quyết Trung ương 14 chỉ rõ hướng tiến công lần này không phải là rừng núi và nông thôn, mà là đô thị; là các thành phố, thị xã, thị trấn; là các cơ quan đầu não chiến tranh, các trung tâm chỉ huy, hậu cứ của địch. Cuộc tiến công sẽ diễn ra trên toàn Miền, nhưng lấy 3 thành phố lớn làm trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng - những nơi địch có nhiều sơ hở; cũng là nơi dễ tạo nên chấn động lớn trên toàn miền Nam và cả nước Mỹ.

         Về phương châm, phương pháp và cách đánh chiến lược nghị quyết Trung ương 14 xác định: kết hợp tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng trên phạm vi ở cả 3 vùng chiến lược; thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giáng cho địch một đòn thật mạnh mẽ, thật bất ngờ, làm cho Mỹ phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta...

          Phải nói rằng, đây là quyết định chiến lược sáng tạo, táo bạo độc đáo vô song của Đảng trong hoàn cảnh bấy giờ khi đối phương đã leo thang cuộc chiến tranh đến đỉnh cao chuẩn bị đợt tiến công chiến lược thứ ba hòng tìm diệt chủ lực của ta, giành lại quyền chủ động về chiến lược trong chiến tranh.

          Quán triệt phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa, sau đòn nghi binh chiến lược tại Khe Sanh (20.1.1968) gây chấn động cả nước Mỹ. Bất ngờ, đêm ngày 30 rạng ngày 31-1-1968, quân và dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định và Huế, Đà Nẵng, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn mà tập trung nhất là đánh vào các cơ quan đầu não của đối phương như: Dinh Độc lập, toà Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Hải quân, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn, các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của Mỹ ngụy… Trước đòn tấn công bất ngờ về cả mục tiêu và thời điểm và phương thức và qui mô tiến công của ta, đối phương đã “trở tay không kịp”. Cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang, nhân dân ta đã nổi dậy làm sụp đổ bộ máy chính quyền của địch ở nhiều nơi.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đã thể hiện tinh thần và sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Trong cuộc Tổng tiến công đưa chiến tranh vào tận hang ổ kẻ thù, quân, dân ta đã khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ để bảo đảm yếu tố bí mật, kết hợp giữa tấn công và nổi dậy thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo là: tác chiến bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm để giành thắng lợi. Sau gần hai tháng tiến công và nổi dậy, quân dân ta đã làm tan rã 150.000 địch, phá huỷ khoảng 34% vật tư và phương tiện chiến tranh của quân Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn, đưa chiến tranh cách mạng vào trung tâm đầu não kẻ thù, làm rối loạn hậu phương địch giáng: “một đòn sấm sét vào Mỹ - ngụy, mở ra một bước ngoặc trong chiến tranh, buộc Mỹ phải lùi bước.” (4)

          Thực tiễn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm cho chính phủ và dư luận Mỹ thấy rằng Mỹ không thể thắng được trong cuộc chiến ở Việt Nam.  Cho nên, mặc dù hết sức ngoan cố nhưng trước sức ép của Quôc hội và nhân dân Mỹ, Ngày 31-1-1968, Tổng thống Giôn-Sơn phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng đàm phán với ta để đi tới chấm dứt chiến tranh. Trong hồi ký, của mình khi nói về cuộc tiến công năm 1968 của ta, Giôn-Sơn đã thú nhận cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là: “một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”,“cố gắng của đối phương đã gây ra một hậu quả tác động xấu đến một số người trong và ngoài Chính phủ”, nhân dân Mỹ và làm cho “quân đội Mỹ còn nguyên vẹn về thể xác nhưng tinh thần dao động hết rồi”(5). Như vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968 thắng lợi đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri (1968-1973).

          50 năm đã trôi qua, nhưng bản anh hùng ca mùa xuân 1968 vẫn để lại cho chúng ta niềm kiêu hãnh, tự hào sâu sắc về chiến công vĩ đại của các thế hệ cha anh đi trước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày hôm nay đứng trước những thuận lợi cơ bản và nhiều khó khăn, thách thức của đất nước như: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng XHCN; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Hơn bao giờ hết, vận dụng đúng đắn, sáng tạo những bài học trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng với bảo vệ tổ quốc XHCN ngày hôm nay là hết sức cần thiết. Qua cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân để thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng cần chú ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong mọi hoàn cảnh, phân tích đánh giá một cách đúng đắn khoa học tình hình cụ thể trong từng giai đoạn cách mạng. Như vậy, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng mà Nghị quyết số 28-NQ/TW (Hội nghị TW 8 - khóa XI ban hành) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nắm bắt kịp thời sự thay đổi của tình hình để có phương pháp tổ chức thực hiện nghị quyết Đảng một cách linh hoạt, đúng đắn. Từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cho thấy: một trong những nhân tố dẫn đến thắng lợi là, Đảng phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng được đường lối đúng đắn, sáng tạo mà cụ thể là xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng; bám sát từ thực tiễn, phân tích, đánh giá đúng tình hình cụ thể, đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và của ta … trên cơ sở đó mà dự báo chuẩn xác các khả năng diễn biến của tình hình để đề ra chủ trương, phương pháp và tổ chức chỉ đạo chiến lược, chiến dịch một cách đúng đắn, sáng tạo táo bạo, bất ngờ đẩy đối phương vào thế lúng túng, bị động đối phó. Đặc biệt, với đòn tiến công đồng loạt trên tất cả các chiến trường mà trọng tâm là các trung tâm đầu não của địch đã gây cho địch sự hoảng loạn khủng kiếp (nhất là giai đoạn đầu cuộc tổng tiến công).

          Từ những kinh nghiệm trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cho thấy chúng ta cần nắm vững lý luận của chủ nghĩa – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện những điều kiện mới trong giai đoạn hiện nay để có thể vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp những kinh nghiệm trên trong bối cảnh mới. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần tiếp tục triển khai việc nghiên cứu, học tập trau dồi lý luận cách mạng; gắn lý luận với thực tiễn sống động của tình hình, xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy khoa học, luôn trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng đáp ứng đòi hỏi của đất nước, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện  chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Thứ hai, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng - an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nét độc đáo nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là cuộc Tổng tiến công đồng loạt nổ ra như sét đánh trên cả ba vùng chiến lược mà các đô thị làm chiến trường chính, đòn tấn công đánh vào tận cơ quan đầu não vào “tim óc” của kẻ thù bằng sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân kết hợp với sự hưởng ứng của quần chúng nhân dân tại các địa phương qua thế trận được chuẩn bị sẵn. Nhờ tin dân, biết dựa vào nhân dân nên chúng ta đã thực hiện được đòn tiến công vừa bí mật, vừa bất ngờ vừa tập trung và rộng khắp, đẩy đối phương vào thế bị động, lúng túng chống đỡ. Thông qua, sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân, nhiều đơn vị chủ lực của ta đã bí mật mau chóng tiếp cận mục tiêu tại các đô thị lớn, bất ngờ giáng những đòn quyết liệt làm choáng váng giới cầm quyền Mỹ, tạo tiếng vang trên thế giới (điển hình là: trận đánh vào tòa Đại sứ Mỹ, dinh Tổng thống và Bộ Tổng Tham mưu ngụy ở Sài Gòn…) Thực tiễn chiến trường, đã khẳng định, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân là một trong những nét đặc sắc nhất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và cũng là chiến lược xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là chúng ta phải xây dựng vững chắc khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn trong cả nước, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm (biên giới, hải đảo…) và xác định đây không chỉ là trách nhiệm riêng lực lượng vũ trang mà là của cả hệ thống chính trị; trong đó thế trận đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Để triển khai, thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, cần đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh, thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; chăm lo các gia đình có công với nước, phòng, chống đẩy lùi nạn tham nhũng…, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

         Có thể thấy, chính nhờ xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc vũng mạnh và tạo dựng được niềm tin tuyệt đối với nhân dân mà qua sự bao bọc, che chở của nhân dân, chúng ta tạo nên được bất ngờ lớn trong cuộc tổng tiến công tết Mậu thân 1968. Vì vậy, trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, để tạo nên thế trận quốc phòng – an ninh vững chắc, Đảng, Nhà nước phải biết quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kịp thời nắm bắt những âm mưu, thủ đoạn của các lực thù địch để tổ chức đấu tranh có hiệu quả. Có như vậy, chúng ta mới có thể phát huy được những truyền thống quí báu của Đảng và dân tộc, xây dựng được thế trận quốc phòng – an ninh vững chắc, sẵn sàng đánh thắng và bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới.

Thứ ba, không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng chính qui, tinh nhuệ, hiện đại có chất lượng cao. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 chính là kết quả của việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có tinh thần chiến đấu ngoan cường, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng; thực hiện phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo trong suốt cuộc Tổng tiến công  và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968 của quân và dân ta. Vì vậy, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta phải tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có chất lượng chiến đấu ngày càng cao, đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII: ““Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”(6), Mà trước hết, coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Muốn vậy, các đơn vị phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang; có bản lĩnh chính trị vững vàng để phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa và “phi chính trị hóa” của các thế lực thù địch; đồng thời, có ý chí, quyết tâm cao để vượt qua khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với công tác xây dựng quân đội và công an, phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ theo phương châm: “vững mạnh, rộng khắp”, được tổ chức chặt chẽ, có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng ngày càng cao, nhất là chất lượng và độ tin cậy về chính trị, bảo đảm phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở các địa phương, cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

 (1).(2).(3) - ĐCSVN- Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 29 , Nxb CTQG, H. 2004, tr. 63; tr. 23.

(4). Đào Duy Tùng “Bản chất cách mạng và khoa học của đảng ta” NxbCTQG, H. 2000 tr46.

(5). Mai-cơn Mác-lia, Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, H.1990, tr.172.

(6). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 147

 

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội