ANH HÙNG PHẠM XUÂN ẨN – NGƯỜI ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO
Trong mọi cuộc chiến tranh, tình báo luôn giữ vai trò trung tâm thông tin, có ý nghĩa sống còn, thậm chí quyết định sự thành bại của cả cuộc chiến. Vì vậy các bên tham chiến đều rất chú trọng xây dựng hệ thống tình báo vững mạnh để phục vụ cho chiến lược của mình. Theo đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã sản sinh ra nhiều nhà tình báo xuất sắc, trong đó có Phạm Xuân Ẩn – một trong những điệp viên huyền thoại không chỉ của Việt Nam mà còn được thế giới công nhận.
Là một nhà báo từng làm việc trong các hãng thông tấn lớn của Mỹ, Phạm Xuân Ẩn có điều kiện tiếp cận tầng lớp lãnh đạo cao cấp của chính quyền Sài Gòn và các nhân viên mật vụ của CIA. Từ vị trí này, ông đã khai thác và cung cấp cho cách mạng những thông tin tình báo có giá trị chiến lược, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
- Cuộc đời và sự nghiệp
Phạm Xuân Ẩn (với các biệt danh X6, Trần Văn Trung hay Hai Trung) tên thật là Phạm Văn Thành, sinh ngày 12/9/1927 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Quê gốc của ông ở Hải Dương, nhưng thời niên thiếu ông từng sống ở Huế, Vĩnh Long, Sài Gòn và Cần Thơ. Sinh ra trong gia đình trí thức, từ nhỏ ông đã bộc lộ tư chất thông minh, nhạy bén và ý chí yêu nước mạnh mẽ.
Năm 1945, ông rời ghế nhà trường để tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong và được Việt Minh cử đi học khóa huấn luyện tuyên truyền. Từ năm 1947 - 1952, ông làm việc trong nhiều cơ quan, tổ chức ở Sài Gòn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ tình báo đầu tiên.
Năm 1953, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cà Mau, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Đức Thọ (lúc này đang là Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam).
Năm 1954, dù bị gọi nhập ngũ vào quân đội Liên hiệp Pháp, ông vẫn tiếp tục công tác bí mật và bắt đầu xây dựng những mối quan hệ với các sĩ quan cao cấp, trong đó có cả Đại tá Edward Lansdale - người chỉ huy CIA tại Đông Dương. Tại đây, ông được chỉ định tham gia soạn thảo các tài liệu về tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần và chọn lựa những sĩ quan trẻ đưa sang Mỹ đào tạo cho quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Nhằm tạo một vỏ bọc lý tưởng cho hoạt động tình báo, đặc biệt có thể đi khắp nơi và tiếp cận được những nhân vật có quyền lực nhất, năm 1957 ông được tổ chức đưa sang Mỹ học ngành báo chí. Trong thời gian du học, ông không chỉ học xuất sắc mà còn khéo léo thâm nhập đời sống văn hóa Mỹ, tạo dựng mối quan hệ với nhiều nhân vật có ảnh hưởng, phục vụ cho mục tiêu lâu dài.
Năm 1959, ông về nước và gia nhập Việt Tấn Xã rồi lần lượt làm việc cho các hãng thông tấn lớn như Reuters, The New York Herald Tribune, Time, và là cộng tác viên của The Christian Science Monitor. Với nghiệp vụ báo chí vững vàng, ông nhanh chóng trở thành một nhà báo có tiếng, đồng thời vẫn âm thầm thực hiện các nhiệm vụ tình báo cực kỳ quan trọng.
Ngoài vai trò là một phóng viên, Phạm Xuân Ẩn còn xây dựng hình ảnh của mình thành một tay chơi sành điệu bằng khả năng am hiểu và đam mê các loại thú cảnh như chó, chim, cá… cùng tính cách cởi mở và lối sống phóng khoáng. Với vỏ bọc hoàn hảo như vậy, ông dễ dàng tiếp cận và tạo dựng mối quan hệ với các sĩ quan cấp cao, nhân viên an ninh, và cả điệp viên CIA, từ đó thu thập được nhiều thông tin tuyệt mật cung cấp cho cách mạng.
- Những đóng góp cho cách mạng
Trong giai đoạn 1961–1965, khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt", Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp nhiều tài liệu quan trọng giúp quân giải phóng chuẩn bị và giành thắng lợi trong các chiến dịch lớn, như chiến thắng Ấp Bắc (1963) – trận chiến mà ông nhận được Huân chương Chiến công đầu tiên.
Sau khi anh emNgô Đình Diệm bị đảo chính năm 1963, ông đưa ra nhận định có tính dự báo rằng Mỹ chưa chịu ngừng tay ở Việt Nam. Nhận đinh này được chứng minh khi Mỹ chính thức công bố tiếp tục tăng viện cho miền Nam Việt Nam vào năm 1965, cho thấy ông là người có tầm nhìn chiến lược rất sắc bén.
Trong giai đoạn từ 1964–1975, ông đã gửi cho cách mạng nhiều báo cáo, tài liệu cực kỳ quan trọng, phục vụ cấp trên hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có các tài liệu như: đánh giá về khả năng Mỹ đưa bộ binh sang Việt Nam; báo cáo về chiến dịch Tết Mậu Thân (1968); phân tích về chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; báo cáo về Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975; báo cáo về tình hình của Quân lực Việt Nam Cộng hòa; nhận định Mỹ sẽ không quay lại Việt Nam bằng quân sự sau năm 1975…
Trong sự nghiệp tình báo lừng lẫy của mình, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ tổng cộng 498 báo cáo, tài liệu, giúp cách mạng có những quyết định theo chốt để đi đến thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt, những báo cáo của ông được lãnh đạo đánh giá rất cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xúc động nói: “Đọc báo cáo mà cứ như ngay ở trung tâm New York!”; còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Cứ như ta đang ở trong Bộ Tổng tham mưu của địch”.
Ngày 30/4/1975, Phạm Xuân Ẩn có mặt tại Dinh Độc Lập trong vai trò một nhà báo chứng kiến sự kiện lịch sử. Nhưng đằng sau đó là chiến công thầm lặng của một chiến sĩ tình báo vĩ đại đã góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Ngày 15/01/1976, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lúc này công chúng trong nước và thế giới mới vỡ lẽ rằng người phóng viên tài ba ấy thực chất là một chiến sĩ tình báo của cách mạng Việt Nam.
Ông nghỉ hưu năm 2002 và qua đời ngày 20/9/2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi. Trong lễ tang của ông, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đồng chí Trần Quốc Hương đều khẳng định: “Chiến thắng rỡ ràng của chúng ta, ông Ẩn đã đóng góp một phần rất lớn bằng những tài liệu tối quan trọng, những phân tích chiến lược sắc bén, những dự báo quân sự, chính trị thiên tài”.
Anh hùng Phạm Xuân Ẩn không chỉ là một điệp viên xuất sắc mà còn là biểu tượng cho lòng yêu nước, trí tuệ và sự hy sinh thầm lặng. Ông đã mưu trí, dũng cảm đối mặt với muôn vàn nguy hiểm để cống hiến trọn đời mình cho cách mạng. Trong suốt 23 năm sống trong vỏ bọc giữa lòng địch, ông đã vận dụng tất cả trí lực, thể lực của mình để hoàn thành xuất sắc cả hai vai mà ông đảm nhiệm, đó là nhà báo và tình báo.
Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của ông là minh chứng sống động cho bản lĩnh, tài trí cũng như sự kiên trung của người chiến sĩ tình báo Việt Nam. Những chiến công của Anh hùng Phạm Xuân Ẩn và đồng chí của ông sẽ vang mãi cùng sự phát triển của đất nước và là tấm gương về ý chí kiên cường, lòng trung thành và tinh thần phụng sự Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Chân dung Anh hùng hạm Xuân Ẩn và sách viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
LƯƠNG NHƯ Ý
-
24072018
-
22012019
-
22112022
-
11072018
-
04052018
-
19072018
-
24072018
-
24072018
-
24062019
-
02102018
-
11072018
-
22072018