Tìm hiểu về anh hùng dân tộc Trương Định nhân chuyến đi nghiên cứu thực tế của Chi bộ Giảng viên 3

01
01
'70

     Theo kế hoạch đi nghiên cứu thực tế của chi bộ, sau một thời gian chuẩn bị, đúng 8 giờ 00 ngày 11/6/2019  chuyến xe chở đoàn công tác của chi bộ chúng tôi đã khởi hành đi về Tiền Giang quê hương của những mỹ nữ - anh hùng nổi tiếng Nam bộ. Ngồi trên xe mà trong tôi chợt chợt nhớ những nhân vật nổi bật trong lịch sử dân tộc như: Nam Phương hoàng hậu, bà Từ Dũ, tả quân Lê Văn Duyệt, Anh hùng Dân tộc Trương Định, Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu...

     Sau khi ghé thăm Di tích chùa Tôn Thạnh với bao câu chuyện huyền thoại về những bậc cao tăng, những vị anh hùng dám “ cởi áo cà sa, khoác chiến bào” đứng lên đấu tranh vì tự do cho đất nước, Đoàn chúng tôi lại thẳng tiến hướng Tiền Giang.11 giờ 00 đoàn nghiên cứu thực tế đến lăng anh hùng dân tộc Trương Định ở Gò Công. Được cán bộ khu lăng mộ nhiệt tình giới thiệu, chúng tôi biết rằng đây là quê hương thứ hai của Trương Định (quê gốc của ông là ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng chính là nơi ông chiêu mộ nghĩa quân kháng Pháp và hy sinh oanh liệt.

    Tuy sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định gắn bó với nhân dân Gò Công. Tại nơi đây, ông đã lập gia đình với hai người phụ nữ, vợ đầu là Lê Thị Thưởng và vợ sau là bà Trần Thị Sanh. Với sự giúp đỡ ít nhiều của cả hai gia đình bên vợ, từ năm 1854, theo chính sách đồn điền của Nguyễn Tri Phương, Trương Định đã chiêu mộ dân chúng, khai khẩn đất hoang, lập ra đồn điền Gia Thuận để khai hoang đất đai phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống của nhân dân địa phương, đồng thời chú ý luyện tập quân sự cho dân binh đồn điền, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Chính vì lẽ đó, màTrương Định luôn được nhân dân Gò Công hết lòng tin yêu. Cho nên, năm 1861, khi Trương Định kháng lệnh triều đình, phát động cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược thì nhân dân Gò Công đã tích cực hưởng ứng và tham gia. Có lúc lực lượng nghĩa quân lên đến 6.000 người, bao gồm các tầng lớp nhân dân Gò Công mà đa số là nhân dân lao động và dân binh đồn điền.

     Đền thờ Trương Định tại Tiền Giang. ảnh: Sưu tầm từ internet.

      Nói về đạo quân của Trương Định nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu mô tả đó là những người nông dân:

“. . . Cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó,

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung,

Chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng bộ

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy. . . tay vốn quen làm

Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ. . . mắt chưa từng ngó

. . . Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng  ở lính diễn binh.

Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu)

     Tháng bảy năm Nhâm Tuất (1862), sau khi ký hòa ước dâng cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường, triều đình Tự Đức phong Trương Định làm Lãnh binh tỉnh An Giang và ra lệnh cho ông phải chấm dứt cuộc kháng chiến ở Gò Công. Thế nhưng, trước yêu cầu của nhân dân Gò Công, Trương Định đã quyết định ở lại cùng nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu kể lại:

“. . . Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền.

Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại

Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo.

Tom muôn dân gầy sổ mộ quân, luật lệnh nào ai dám nhạy.

Văn thời Tham Biện, Thượng Biên, giúp các cơ bàn bạc nhung công.

Võ thời Tổng binh, Đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khí giới”

(Văn tế Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu)

      Phải nói đây là quyết định rất đúng đắn của Trương Định trong bối cảnh lúc bấy giờ.  Đứng trước quyền lợi bản thân và nguyện vọng của nhân dân, ông đã dũng cảm đứng về phía nhân dân  quyết định đi cùng với nhân dân chiến đấu: “Bằng son ứng nghĩa thắm lòng dân” (Nguyễn Đình Chiểu)

      Trên thực tế cuộc chiến đấu của nghĩa quân Trương Định hợp với lòng dân, nên được nhân dân hết lòng đùm bọc che chở và ủng hộ. Chính nhờ đó mà mặc dù, tương quan lực lượng có sự chênh lệch lớn có lợi cho thực dân Pháp, nghĩa quân Trương Định vẫn tạo nên những chiến công hiển hách như các cuộc tập kích đồn Rạch Tra (Tây Ninh), Long Thành (Biên Hòa), tấn công 2 chiếc Lorcha tại Bến Lức, pháo thuyền Alarne và trận địa pháo trên rạch Gò Công, đốt chiếc Lorcha số 10 hay tập kích đồn Thuộc Nhiêu, đồn Rạch Kiến…nổi bật là trận tấn công Chợ Lớn – trung tâm kiểm sóat của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

       Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược của Trương Định chỉ tồn tại được 5 năm (1859 -1864), nhưng đã trở thành cuộc đấu tranh tiêu biểu trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Từ ngày Trương Định hy sinh đến nay đã tròn 155 năm (1864 - 2019), nhưng cuộc khởi nghĩa của anh hùng dân tộc Trương Định mãi mãi là biểu tượng về tinh thần yêu nước và sức mạnh của nhân dân Gò Công nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung trong lịch sử dân tộc.

       Cuộc khởi nghĩa đã để lại cho các thế hệ sau nhiều bài học vô giá: về uy tín, năng lực và phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo; về sự quy tụ sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp dựng nước giữ nước, phát huy tinh thần yêu nước, bất khuất của người Việt  Nam…

       Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay thiết nghĩ nếu Đảng và nhà nước xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự ưu tú có đủ bản lĩnh, có năng lực đạo đức trong sáng thì dứt khoát chúng ta sẽ tiếp tục phát huy được tốt hơn nữa những truyền thống tốt đẹp trong mỗi con người Việt Nam và sự nghiệp đổi mới đất nước sẽ mau chóng đạt được nhiều thành công tốt đẹp.

      Đứng trước khu lăng mộ của Người anh hùng dân tộc, tuy mỗi người có cảm nhận khác nhau nhưng mỗi thành viên của đoàn đều vô cùng tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Chúng tôi nguyện rằng sẽ luôn cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan để góp phần công sức của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Hà Thị Vân Khanh

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội