TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁN BỘ, CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CÁN BỘ CỦA KHOA KIẾN THỨC CƠ BẢN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho dân tộc. Người là hiện thân của người đảng viên mẫu mực, kiên trung với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng của Người là di sản vô cùng to lớn đối với Đảng ta và cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực hiện lý tưởng cao cả giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến công tác cán bộ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quan điểm của Người về công tác cán bộ là sự kết hợp tinh tế giữa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, và là những chỉ dẫn quý báu để Đảng ta làm tốt công tác cán bộ trong từng thời kỳ cách mạng.
1. Vai trò của cán bộ và công tác cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh
1.1. Về vai trò của cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng
Hồ Chí Minh xác định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Người khắc hoạ vai trò của cán bộ một cách cách rất tự nhiên, giản dị như: cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Trong mọi việc của cách mạng, của Đảng người cán bộ là cái gốc để đứng ra tổ chức, thực hiện mọi nhiệm vụ, không có cán bộ thì không thể thực hiện hoàn thành mọi công việc. Theo Người cán bộ là người trực tiếp đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Như vậy, nếu cán bộ kém thì việc xây dựng và thực hiện các chính sách không thể thực hiện được. Thực tiễn trong từng thời kỳ cách mạng cho thấy trong tất cả các công việc của Đảng, cán bộ là yếu tố trung tâm, then chốt và mang tính quyết định thành bại của cách mạng.
1.2. Về công tác cán bộ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm đến các vấn đề hết sức cốt lõi và mang tính nguyên tắc thể hiện qua các bước:
- Đánh giá đúng cán bộ là yêu cầu xuất phát để tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ. Nếu không đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ thì không thể đề bạt, sử dụng cán bộ một cách đúng đắn được. Để đánh giá đúng cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu:
+ Phải thường xuyên đánh giá cán bộ để bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng; giúp cho tổ chức “biết rõ cán bộ”, nắm chắc đội ngũ cán bộ để có chính sách và biện pháp thích hợp, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ cán bộ trong hoạt động thực tiễn.
+ Đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, phải chú ý đến năng lực, phẩm chất, hiệu quả công việc. Đặc biệt là đánh giá cán bộ phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức. Người chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt” [1]. Ngược lại: “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”[2] Theo Người, việc đánh giá cán bộ cần phải dựa vào nhân dân, phát huy dân chủ và nắm bắt được dư luận xã hội mới bảo đảm thực chất và hiệu quả.
+ Đánh giá cán bộ phải công tâm, minh bạch, người làm công tác cán bộ cũng phải có đầy đủ chuẩn mực đạo đức thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người còn nhắc nhở những người làm công tác cán bộ phải dũng cảm nhìn nhận và kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của mình.
- Chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là một khâu đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ. Do đó, Đảng phải huấn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về chinh trị, đạo đức, chuyên môn để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Người khẳng định: “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”[3]. Người đề ra mục đích của việc huấn luyện cán bộ là phải xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Huấn luyện để cán bộ vững vàng về mọi mặt “có gan phụ trách, có gan làm việc”[4]. Người yêu cầu: “Đào tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái” mà “phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng cây cối quý”[5]. Trong huấn luyện cán bộ cách mạng, Người căn dặn, việc huấn luyện cán bộ phải toàn diện cả về chính trị và quân sự, trong đó chính trị, tư tưởng là trọng tâm. Người cán bộ của Đảng phải được trang bị đầy đủ kiến thức lý luận, đó là vũ khí quan trọng nhất trên các mặt trận. Khi tư tưởng vững chắc thì người cán bộ cách mạng sẽ vượt qua được mọi khó khăn gian khổ.
- Lựa chọn sử dụng và bố trí công việc đúng năng lực cán bộ: Hồ Chí Minh từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một thất bại”, Người thí dụ: “Người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách. Thành thử hai người đều không có thành tích”. Đi đôi với việc sử dụng đúng tài năng của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Người căn dặn: phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Muốn vậy Người nhắc nhở để sử dụng và bố trí đúng cán bộ, phát huy hết năng lực, sở trường của cán bộ cần thực hiện tốt các việc đó là:
+ Làm tốt khâu phát hiện và tuyển chọn cán bộ, Người cho rằng: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”[6]. Do đó Đảng phải tìm cho được những người tiêu biểu: trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý tới lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân mới tin tưởng và coi cán bộ đó là người lãnh đạo của họ; Những người có thể phụ trách và giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn thì cần phải: khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn; Những người luôn luôn giữ kỷ luật”[7].
+ Phải khéo dùng cán bộ: Với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “khéo dùng cán bộ là phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”[8], “dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được”[9]. Khéo dùng cán bộ còn có nghĩa là phải tin tưởng vào cán bộ, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm của mình. Đối với cấp dưới, người lãnh đạo phải tiếp thu, lắng nghe, góp ý, phê bình. Nếu ý kiến cấp dưới không đúng, cấp trên không quở trách mà nên vui vẻ giải thích cho họ hiểu và động viên họ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp hài hòa giữa thế hệ cán bộ đi trước và cán bộ kế cận. Giữa những cán bộ đi trước có nhiều kinh nghiệm, được rèn luyện qua thực tế và lớp cán bộ trẻ gồm những người hăng hái, nhiệt huyết, nhạy cảm với cái mới và chịu khó học tập nên nhanh tiến bộ.
+ Về việc cất nhắc, đề bạt cán bộ :Trong công tác sử dụng cán bộ, Người yêu cầu phải hết sức thận trọng trong việc này. Người chỉ rõ: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như giã gạo”. Nghĩa là từ trước khi cất nhắc không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị “nhấc lên”, “thả xuống” ba lần như thế thì “hỏng cả đời”. Như vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh công tác bổ nhiệm cán bộ cần thực hiện hết sức thận trọng song cũng rất hài hòa, tinh tế, nhân văn. Người cho rằng: Cấp trên phải biết chỉ đạo cấp dưới, tin tưởng cấp dưới, không làm hộ, làm thay hoặc cái gì cũng nhúng tay vào. Mục đích của “chỉ đạo” là để phát triển năng lực và sự sáng tạo của cán bộ đúng với đường lối của Đảng, ngang tầm với sự phát triển của cách mạng. Người luôn đề cao công tác kiểm tra cán bộ, nhưng phải đúng người, đúng việc, phải thiết thực và công tâm, kiểm tra cán bộ không phải là “bới lông tìm vết”, “đào chuyện cũ ra làm án mới”, vì vậy không phải ngày nào cũng kiểm tra. Kiểm tra là để xem xét quá trình công tác và học tập có tiến bộ hay hạn chế, khuyết điểm để giúp đỡ người tiến bộ ít, khen người tiến bộ nhiều, giúp mọi người rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm của bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới tính tự giác của cán bộ trước sai lầm, khuyết điểm. Bởi: mỗi người tài giỏi đến đâu cũng có thể mắc những sai lầm, thiếu sót. Nhưng người cũng rất dứt khoát trong việc xem xét, xử phạt những cán bộ có sai lầm, khuyết điểm. Người cho rằng: “Nếu nhất nhất không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật,… Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là hoàn toàn không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”[10].
- Kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ: đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý để phát huy dân chủ thật sự trong công tác cán bộ, Người từng phê phán những tiêu cực trong công tác cán bộ: “có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.[11] Người chỉ ra thói xấu trong công tác cán bộ đó là: ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực. Đó là những là kẻ cơ hội, nếu không tỉnh táo đề phòng thì những kẻ này sẽ tìm cách chui vào nắm giữ những chức vụ trong Đảng, chính quyền và các đoàn thể, gây tác hại rất lớn. Người phê phán những cán bộ lãnh đạo: ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao. Đó cũng chính là mầm mống dẫn đến tình trạng bè phái, phe nhóm, chia rẽ gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và chính quyền…
2. Thực trạng vấn đề cán bộ, viên chức tại Khoa Kiến thức cơ bản trong những năm qua
Cũng như các khoa, phòng khác tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua, công tác cán bộ được Đảng bộ, chi bộ hết sức quan tâm nhằm không ngừng hoàn thiện bộ máy cán bộ, viên chức của trường, khoa. Phải nói rằng chất lượng đội ngũ cán bộ trong nhà trường từng bước được nâng cao, cơ bản bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, trong những điều kiện mới, hoàn cảnh mới của đất nước, của ngành. Công tác cán bộ tại trường, khoa cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc đánh giá, sử dụng cán bộ vẫn là khâu yếu, do việc đánh giá vẫn chưa mang tính phân hóa cao, chưa tạo động lực để nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, viên chức; Năng lực đội ngũ viên chức nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của yêu cầu ngày càng cao của việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Từ thực tế công tác tại khoa trong thời gian qua có thể thấy thực trạng vấn đề cán bộ, viên chức trong khoa có một số ưu, khuyết điểm như sau:
2.1. Về ưu điểm
Tất cả các viên chức trong khoa Kiến thức cơ bản được đào tạo bài bản theo từng chuyên ngành mà nhà trường yêu cầu. 100% đội ngũ viên chức đều đạt chuẩn trình độ yêu cầu.
Công tác phân công, bố trí công việc trong khoa cơ bản đúng, phù hợp với các chuyên ngành được đào tạo của viên chức. Tính đến nay (11/2022) tại khoa kiến thức cơ bản đội ngũ viên chức của khoa hầu hết đạt trinh độ tối thiểu là thạc sĩ trở lên trong đó có có 4 giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số 14 viên chức; Đặc biệt nhất là toàn thể viên chức, người lao động trong khoa kiến thức cơ bản luôn yêu ngành, yêu nghề, gắn bó, đoàn kết giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống. Mặc dù, số lượng viên chức chưa thật sự đầy đủ, các chức danh trong khoa chưa được hoàn thiện nhưng cán bộ, viên chức trong khoa luôn tự giác, chia xẻ, động viên nhau hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung của trường, khoa. Theo báo cáo kết quả khảo sát tự đánh giá công tác cán bộ, viên chức của khoa: “Đa số người được hỏi (11/15 người) đã đánh giá mức 3 về vấn đề “Đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau; Trong đơn vị, các đồng nghiệp hòa đồng, thân thiện; Nơi làm việc được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị Môi trường làm việc mang tính thử thách, giúp Thầy/Cô phát triển chuyên môn”. (1: Không đồng ý; 2: Tương đối đồng ý; 3: Đồng ý; 4: Hoàn toàn đồng ý.)
2.2. Hạn chế
Là khoa có nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng biên chế các ngành trong khoa chưa thật đầy đủ, đúng đảm bảo theo yêu cầu của từng môn học. Trong quá trinh triển khai nhiệm vụ giảng dạy do thiếu giảng viên cơ hữu ở các bộ môn nên khoa phải thường xuyên mời giảng viên ngoài trường tham gia giảng dạy (thỉnh giảng) đối với nhiều môn học và phải sử dụng một số giảng viên chuyên ngành gần trong khoa để giảng dạy. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường và khoa.
Bộ máy vận hành của khoa chưa hoàn thiện. Hiện nay với tổng số 15 viên chức, có 02 viên chức quản lý với chức danh Phó trưởng khoa điều hành và 01 phó trưởng khoa kiêm nhiệm chủ tịch Công đoàn trường, Thư ký hội đồng trường. Do vậy, thực tế chỉ có 01 viên chức quản lý hoạt động của khoa. Khoa đông và có nhiều nhóm chuyên môn nhưng vẫn chưa thành lập được tổ bộ môn.
Thu nhập của phần lớn viên chức trong khoa không cao (vì chủ yếu thu nhập của viên chức dựa theo hệ số lương mà nhà nước quy định). Cho nên, hầu hết đời sống của mọi viên chức, người lao động trong khoa hết sức khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Thực tế vấn đề thu nhập của viên chức đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm cũng như chất lượng công tác của đội ngũ viên chức, người lao động trong khoa nói riêng, nhà trường nói chung. Với tinh thần nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật theo quan điểm của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới thì có thể thẳng thắn nói rằng: rất nhiều viên chức, người lao động chưa an tâm với công việc tại trường và khoa mà trong những năm qua có rất nhiều viên chức xin nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Cũng theo khảo sát phục vụ cho chuyên đề này tại khoa kiến thức cơ bản từ tháng 10. 2020 – 10/2022 có 01 viên chức với chức danh Phó trưởng khoa có học vị tiến sĩ nghỉ hưu và 4 viên chức là giảng viên có đơng xin nghỉ việc và đã nghỉ việc trong đó có một viên chức có học vị tiến sĩ là cán bộ quản lý cấp trường có chức danh chủ tịch Công đoàn nhà trường. Thực chất việc nghỉ việc của đội ngũ viên chức, người lao động trong những năm qua chủ yếu là do thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống. Bảng khảo sát ý kiến viên chức trong khoa cho thấy vấn đề về “Thu nhập tăng thêm phù hợp với năng lực và sự đóng góp trong hoàn thành công việc của Thầy/Cô?” có 09/15 người đều đánh ở mức 1 (1: Không đồng ý; 2: Tương đối đồng ý; 3: Đồng ý; 4: Hoàn toàn đồng ý.)
3. Một số kiến nghị để làm tốt công tác cán bộ tại khoa Kiến thức cơ bản hiện nay
Từ thực trạng viên chức tại khoa kiến thức cơ bản nhằm góp phần xây dựng nhà trường, khoa ngày căng lớn mạnh nhân buổi sinh hoạt chuyên đề, để thực hiện tốt công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh bài viết đề cập một số ý kiến sau:
- Cần quán triệt những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ để vận dụng linh hoạt, đúng đắn tư tưởng của Hồ Chí Minh trong việc sắp xếp hoàn thiện bộ máy hoạt động của nhà trường cũng như xây dựng đội ngũ viên chức trong trường, khoa đáp ứng đòi hỏi ngày căng cao của xã hội.
- Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ của viên chức, người lao động trong khoa, động viên viên chức nỗ lực thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới.
- Động viên viên chức nhất là giảng viên trẻ trong khoa cố gắng vượt khó tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tăng cường số lượng, chất lượng công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho khoa.
- Đề nghị nhà trường quan tâm tới việc tuyển dụng, bổ sung chỉ tiêu cán bộ giảng dạy cho khoa để khoa đảm bảo cả số lượng lẫn chất lượng viên chức trong thực hiện nhiệm vụ của khoa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhà trường cần chú ý tới việc bổ sung hoàn thiện bộ máy, đội ngũ giảng viên cho khoa kiến thức cơ bản theo đúng quy định chung của Bộ giáo dục và đào tạo và Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du lịch. Nếu các viên chức trong khoa chưa đảm bảo yêu cầu các chức danh theo quy định như độ tuổi, bằng cấp… theo quy định chung thì nhà trường cần rà soát, tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm viên chức đảm bảo các quy định của nhà nước từ các bộ phận khác về khoa Kiến thức cơ bản công tác để giúp khoa hoàn thiện bộ máy tổ chức và đội ngũ viên chức giảng dạy theo quy định. Cùng với các bộ phận tham mưu, nhà trường cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, chinh sách đối với viên chức, người lao động theo những quy định của Nhà nước đã ban hành đối với các cơ sở giáo dục công lập.
Phát huy trí tuệ tập thể của đội ngũ trí thức trong nhà trường để tìm ra các giải pháp tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho đội ngũ viên chức, người lao động tại trường theo đúng quy định của pháp luật nhằm làm cho viên chức, người lao động an tâm trong công việc, đoàn kết, gắn bó cùng chung sức, chung lòng xây dựng nhà trường và khoa vững mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhanh và của đất nước.
Ths. Nguyễn Hoàng Minh
Tài liệu tham khảo, trích dẫn
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Nxb CTQG, H.2011, tr.318.
[2] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr. tr.318.
[3] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.313.
[4] Sđd tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.320.
[5] Sđd tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr.313.
[6] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr. 315.
[7] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr. 320.
[8] Sđd, tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr. 324, tr. 317.
[9] Sđd, tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr. 90.
[10] Sđd, tập 11, tr.324.
[11] Sđd, tập 5, tr. 90.
-
05052018
-
22012019
-
21082018
-
10042024
-
06062018
-
23112022
-
21092018
-
24072018
-
11072018
-
11072018
-
24072018
-
28052018