Kỷ niệm 73 năm Nam Bộ kháng chiến 23.9. 1945 – 23.9.2018

01
01
'70

NAM BỘ KHÁNG CHIẾN: RẠNG NGỜI HÀO KHÍ VIỆT NAM

 

NAM BỘ KHÁNG CHIẾN: RẠNG NGỜI HÀO KHÍ VIỆT NAM

 

Nguyễn Hoàng Minh

          Sau khi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta đứng trước vô vàn khó khăn. Nạn đói hoành hành khắp nơi, ở Bắc Bộ gần 2 triệu người chết đói. Trong khi đó, thù trong, giặc ngoài tìm mọi cách bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ.

         Ở miền Bắc, hai mươi vạn quân của Tưởng Giới Thạch tràn vào tạo thêm những khó khăn về kinh tế, xã hội và những rắc rối về chính trị bởi sự dung dưỡng, tiếp sức cho các đảng phái phản động hoạt động. Ở miền Nam, quân đội Anh lấy danh nghĩa “Đồng Minh”, tước vũ khí quân Nhật nhưng thỏa thuận với Nhật, thả tù binh Pháp, trang bị vũ khí để quân Pháp thực hiện âm mưu xâm lược nước ta. Được sự trợ giúp của quân đội Anh, ngày 23-9-1945, quân Pháp đồng loạt tiến đánh các công sở, đơn vị tự vệ, lực lượng của ta trong thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Sát cánh với lực lượng tự vệ vũ trang cách mạng với vũ khí thô sơ, hàng vạn quần chúng yêu nước đã tham gia lập chướng ngại vật, bao vây, chia cắt đường giao thông, tấn công địch. Sau 21 ngày tuyên bố độc lập, đồng bào Nam Bộ đứng lên khởi đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: “ngay trong đêm 22 rạng sáng 23.9.1945 tại trung tâm Sài Gòn, những nơi quân Pháp nổ súng đánh chiếm, đều bị quân dân Sài Gòn chống trả quyết liệt và tổ chức vây hãm quân Pháp ngay trong nội thành” (heo “Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định).

          Sáng sớm 23.9, vào lúc 7 giờ sáng, tại ngôi nhà 269 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5). Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã họp khẩn cấp, và quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn do ông Nguyễn Văn Tư làm chủ tịch. Lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp được phát với quyết tâm:”Độc lập hay là chết” kêu gọi “tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược...”

          Hưởng ứng lời kêu gọi, các tầng lớp nhân dân toàn Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa. Chợ không họp, xe không chạy, không điện không nước tới các đồn binh Pháp. Các ụ súng chiến đấu mọc lên khắp đô thành. Quân Pháp gặp phải sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng Việt Minh, đặc biệt là Liên khu Bình Xuyên do Dương Văn Dương chỉ huy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy. Các đơn vị thanh niên tiền phong, công đoàn xung phong, tự vệ đã nhanh chóng phối hợp cùng với những đơn vị cộng hòa vệ binh triển khai lực lượng, dựng chướng ngại vật và công sự chiến đấu trên các đường phố nhằm cản bước tiến của giặc. Nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và Pháp đã diễn ra ở cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y...Các công sở xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược.

          Nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, ngày 24-9, Chính phủ liền ra Huấn lệnh gửi Quân dân Nam bộ. Ngày 26-9, Chính phủ thành lập các Đoàn quân Nam tiến, quỹ Nam Bộ kháng chiến, cử các tướng lĩnh cấp tốc vào miền Nam như tướng Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn… Cũng ngày hôm đó, thư của Bác gửi đồng bào miền Nam được phát trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Bác viết:

          “Hỡi đồng bào Nam Bộ!

           Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn, nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật, hoặc công khai lại mò đến. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta 2 lần, nay họ lại muốn thống trị dân ta một lần nữa.Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà Đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ nền độc lập của nước nhà.

          Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng, tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa.

          Việt Nam độc lập muôn năm!

          Đồng bào Nam Bộ muôn năm!

         Được thư Bác Hồ cổ vũ, đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã đồng loạt đứng lên. Bị vây hãm trong doanh trại không điện không nước, quân Pháp hết sức bức bối, chúng phải tìm mọi cách xin đình chiến từ ngày 30-9. Sau khi được bổ sung 1 trung đoàn Bộ binh, 1 tiểu đoàn Cơ giới, 1 đội Thủy quân lục chiến, ngày 12-10, quân Pháp nổ súng trở lại. Chúng phá vòng vây, mở rộng tiến công, chiếm các tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công (ngày 25-10), Vĩnh Long (ngày 29-10), Cần Thơ (ngày 30-10). Trước ngày 30-10, quân Anh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một rồi giao lại cho quân Pháp; Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu (tháng 1-1946), Cà Mau (5-2-1946)

         Như vậy, ngay những ngày đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc, với vũ khí thô sơ, lạc hậu và tinh thần quả cảm quân, dân Sài Gòn đã tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch và phá huỷ một phần cơ sở vật chất của chúng. Từ tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn, cả nước đã chi viện góp sức cùng Sài Gòn chống quân xâm lược, góp phần chặn đứng âm mưu “Đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.

         Sống trong không khí sục sôi cách mạng, trước khí thế hào hùng của quân và dân Sài Gòn kiên quyết đứng lên bảo vệ Tổ quốc, người chiến sỹ - nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn đã sáng tác ca khúc “Nam Bộ kháng chiến”.  Bài hát được đăng lần đầu tiên trên Báo Độc Lập và thông qua các bản chép tay, truyền miệng trong khói lửa chiến đấu, với lời ca đi vào lòng người. Bài hát đã lan tỏa và trở nên phổ biến. Từ đó, trên các mặt trận trong từng chặng đường hành quân, ca khúc “Nam Bộ kháng chiến” lại vang lên như thôi thúc cả dân tộc đứng lên: “Mùa Thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô, dân phương Nam nhịp chân tiến ra trận tiền. Thuốc súng kém, chân đi không, mà đoàn người giàu lòng vì nước. Nóp với giáo mang ngang vai, nhưng thân trai nào kém oai hùng. Cờ thắm tung bay ngang trời, sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền. Một lòng nguyện với tổ tiên, thề quyết chống quân ngoại xâm. Ta đem thân ta liều cho nước, ta đem thân ta đền ơn trước. Xây giang san hạnh phúc muôn đời nền độc lập khắp nước Nam. Thề quyết chống quân gian tham. Ta đem thân ta liều cho nước. Ta đem thân ta đền ơn trước. Xây giang sơn hanh phúc muôn đời. Nền độc lập khắp nước Nam”.

          Từng lời ca khúc thúc giục thế hệ thanh niên cả nước lúc bấy giờ đã “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Thật tuyệt vời hình ảnh của thế hệ cha ông của chúng ta khi Tổ quốc gọi, chỉ với vũ khí thô sơ, lạc hậu nhưng với tấm lòng sục sôi vì đất nước, họ đã sẵn sàng hy sinh để cống hiến cho độc lập của đất nước.

          Sau 30 năm tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tinh thần của “Nam Bộ kháng chiến” và khát vọng  độc lập, tự do, các thế hệ cha ông đã thực hiện được khát vọng làm cho đất nước ta hoàn toàn độc lập. 73 mùa thu đã trôi qua, nhưng các thế hệ hôm nay và mai sau, sẽ luôn nhớ hình ảnh oai hùng, bi tráng của thế hệ “Nam Bộ kháng chiến”. Cùng với lịch sử của đất nước, của dân tộc, ca khúc “Nam Bộ kháng chiến” đã trở thành bản tráng ca sống mãi bởi ý nghĩa to lớn và giá trị tinh thần bất tử của nó.

          Trong niềm vui của đất nước ngày hôm nay, chúng ta tự hào về thế hệ cha ông đi trước những người đã anh dũng, hiên ngang, không một chút đắn đo, suy tính cho riêng mình để chiến đấu giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Để xứng đáng với các bậc tiền nhân đi trước, đối với các thế hệ trẻ hôm nay, việc tu dưỡng rèn luyện nhân cách, học tập nắm vững các thành tựu khoa học để vận dụng trong thực tiễn công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh là hành động chân thành nhất để tỏ lòng biết ơn các thế hệ đi trước./.

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội