Văn hóa có ý nghĩa to lớn với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc
Dự kiến trong tháng 12 tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Hội thảo với quy mô lớn trực tiếp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nhấn mạnh văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Hội thảo Văn hóa 2022 sắp diễn ra trong tháng 12 tới là một diễn đàn quan trọng để đánh giá chính xác các thành tựu về văn hóa của đất nước. Nhưng quan trọng hơn là để nhận biết những vấn đề đang được đặt ra và khuyến nghị các phản ứng chính sách cần thiết cho phát triển văn hóa.
Quan tâm đến Hội thảo này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xoay quanh Hội thảo này cũng như tầm quan trọng của văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.
- Phóng viên: Theo ông, văn hóa có ý nghĩa như thế nào đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc?
- TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Tôi cho rằng, văn hóa trước hết là lối sống, là cách hành xử của một cộng đồng người. Mà như vậy, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Trước hết, văn hóa tạo nên bản sắc. Thiếu bản sắc, một dân tộc sẽ biến mất. Có bao nhiêu dân tộc trong số Bách Việt - trăm dân tộc Việt, còn được nhận biết cho đến ngày hôm nay? Trong lúc đó, cho dù quốc gia Chăm không còn, thì dân tộc Chăm vẫn luôn còn mãi. Bởi vì qua muôn vàn biến động, văn hóa Chăm vẫn được bảo tồn. Và với việc văn hóa Chăm được bảo tồn, thì bản sắc của người Chăm vẫn được gìn giữ. Nhờ vậy, dân tộc Chăm luôn luôn được nhận biết trong công đồng các dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, văn hóa là nền tảng để vận hành thể chế. Với một lối sống và một cách hành xử nhất định, các thiết chế có thể phát huy hiệu quả tối đa; ngược lại cũng có thể trở nên trì trệ, kém hiệu quả. Ví dụ, một cộng đồng người coi trọng chữ tín trong kinh doanh, thì chi phí giao dịch luôn luôn được cắt giảm, nhờ đó kinh tế sẽ rất phát triển. Ngược lại, một cộng đồng người thường bất tín trong làm ăn, kinh doanh, thì chi phí giao dịch sẽ vô cùng to lớn. Hậu quả là kinh tế không thể phát triển được.
Thứ ba, văn hóa là nền tảng cho sự sáng tạo. Với thói quen chấp nhận rủi ro và cổ vũ cho cái mới, thì khả năng sáng tạo của một cộng đồng người là rất lớn. Ngược lại, với thói quen định kiến và bảo thủ, thì sáng tạo cái mới là khó khăn. Điều gì đúng cho sự sáng tạo, thì cũng đúng cho quá trình hội nhập.
- Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về thực trạng văn hóa ở nước ta hiện nay?
- TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Văn hóa của người Việt chúng ta có rất nhiều điểm mạnh, trước hết đó là hệ thống giá trị tạo nên tính cố kết cộng đồng rất cao, như lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái (Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn)… Đó là các phẩm chất cần thiết cho việc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước như tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên, sự cần cù…
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận biết những điểm yếu về văn hóa của người Việt, như đoàn kết, hợp tác trong chiến đấu thì dễ; đoàn kết, hợp tác trong sáng tạo, trong kinh doanh lại khó khăn hơn. Hay chúng ta sẵn sàng giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, khổ đau, khốn quẫn, nhưng rất khó chia sẻ niềm vui với những người thành đạt hơn mình.
Văn hóa không phải là thứ nhất thành, bất biến. Vấn đề là chúng ta cần tìm cách phát huy thế mạnh và khắc phục các điểm yếu trong lối sống, trong cách hành xử của người Việt.
- Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 sắp tới. Hội thảo với quy mô lớn trực tiếp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông có kỳ vọng gì ở Hội thảo sắp tới?
- TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Tôi nhận thấy, mục đích của Hội thảo nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Tôi cho rằng Hội thảo là một diễn đàn quan trọng để chúng ta đánh giá chính xác các thành tựu về văn hóa của đất nước. Nhưng quan trọng hơn là để nhận biết những vấn đề đang được đặt ra và khuyến nghị các phản ứng chính sách cần thiết cho phát triển văn hóa.
Cụ thể hơn, đây chính là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Vì vậy, tôi nhận thấy việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn:https://htvhvn2022v2.vhv.vn/bao-chi/goc-nhin-chuyen-gia/ts.-nguyen-si-dung-van-hoa-co-y-nghia-to-lon-voi-su-ton-tai-va-phat-trien-cua-moi-quoc-gia-dan-toc... (ngày 22/11/2022)
-
24072018
-
09042018
-
22072018
-
21092018
-
22012019
-
24072018
-
01042018
-
25052019
-
28052018
-
24072018
-
24062019
-
11072018