CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA CÁC CHÚA NGUYỄN Ở ĐÀNG TRONG THẾ KỶ XVII - XVIII

01
01
'70

Năm 2023, TS.Lê Bá Vương (Phó trưởng khoa Kiến thức cơ bản) phối hợp cùng 2 tác giả Phạm Đình Khuê, Trần Minh Ngọc biên soạn công trình Chính sách tôn giáo của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII. Sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành. Đây là sách chuyên khảo, góp phần nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Đàng Trong nói chung và tập trung về chính sách của các chúa Nguyễn đối với tôn giáo từ thế kỷ XVII ĐẾN THẾ KỶ XVIII. 
Cấu trúc của công trình: Lời nói đầu, Kết luận và 4 chương:
Chương 1: Bối cảnh lịch sử Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII

Chương 2: Nhận thức của các Chúa Nguyễn về vai trò của các tôn giáo ở Đàng Trong
Chương 3: Chính sách của các Chúa Nguyễn đối với một số tôn giáo ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII
Chương 4: Một số nhận định, đánh giá về chính sách của các Chúa Nguyễn đối với một số tôn giáo ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII
Đây là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho việc nghiên cứu về lịch sử của đất nước Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, về chính sách tôn giáo của chúa Nguyễn.

       Từ giữa thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng bắt đầu đặt nền móng dựng nghiệp cho họ Nguyễn ở vùng đất Thuận Hóa. Ý đồ cát cứ của họ Nguyễn ngày càng bộc lộ rõ vào năm 1600. Khởi nghiệp ở đất Thuận - Quảng, các chúa Nguyễn từng bước tiến hành tổ chức khai phá, mở rộng lãnh thổ, xác lập chủ quyền trên vùng đất Nam Trung Bộ rồi Nam Bộ ngày nay. Thành quả từ công cuộc mở rộng lãnh thổ là đóng góp to lớn của các chúa Nguyễn đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo thế và lực cho Đàng Trong phát triển.

       Đàng Trong là một vùng đất đa văn hoá, đa tôn giáo. Ngoài những nền văn hoá và tôn giáo mang tính bản địa, với chính sách đưa lưu dân từ Đàng Ngoài vào, đồng thời với việc tiếp nhận các nhóm di dân từ Trung Quốc, Nhật Bản,... Trong quá trình phát triển, Đàng Trong đã diễn ra cuộc va chạm, tiếp biến mạnh mẽ giữa các nền văn minh và trở thành điểm tụ hội, giao thoa văn hóa. Nhiều tôn giáo, học thuyết, luồng tư tưởng khác nhau như Nho giáo, Phật giáo Đại thừa, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo xâm nhập và lan tỏa trên vùng đất phía nam sông Gianh, trong khi Bàlamôn giáo, Phật giáo Therevada cũng như Islam vẫn tồn tại và biến đổi. 

       Các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho sự quy nạp văn hóa, tôn giáo ngay từ buổi đầu trên con đường Nam tiến. Tính đến thế kỷ XVII, ở Đàng Trong tồn tại các tôn giáo chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo (Islam), Thiên Chúa giáo và Bàlamôn giáo, Ấn Độ giáo và một “tôn giáo đặc biệt” là Nho giáo. Nhận thức được ảnh hưởng và vai trò của tôn giáo đối với việc ổn định trật tự xã hội, củng cố quyền lực và tạo dựng nền văn hóa mới làm cơ sở cho việc thiết lập chính thể Đàng Trong, đặc biệt là vai trò của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, các chúa Nguyễn đã thể hiện rõ quan điểm coi trọng việc phát triển Tam giáo trong các chính sách. Bên cạnh đó, các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo (Islam), Bàlamôn giáo, Ấn Độ giáo với số lượng tín đồ đông đảo và để lại nhiều dấu ấn văn hóa đậm nét trong đời sống cư dân nơi đây, có sức ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến tình hình chính trị - xã hội Đàng Trong cũng đặt ra nhiều thách thức trong chính sách đối nội của các chúa Nguyễn nói chung, chính sách tôn giáo nói riêng.

       Thực hiện công trình, nhóm tác giả cho rằng: trên bước đường đổi mới, công tác nghiên cứu về tôn giáo, văn hóa - tư tưởng được coi là một trong những nội dung quan trọng của khoa học lịch sử. Với mục tiêu tìm hiểu về quá khứ để trả lời hiện tại và dự đoán cho tương lai, nghiên cứu về chính sách tôn giáo thế kỷ XVII - XVIII thông qua những chính sách cụ thể mà chính quyền các chúa Nguyễn đã thực thi ở Đàng Trong sẽ có ý nghĩa thực tiễn giúp nhìn nhận về sự biến đổi của các tôn giáo nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung trong lịch sử trên cả phương diện tích cực và tiêu cực của nó. Thông qua việc nghiên cứu, đánh giá về cách thức điều hành nền chính trị của các nhà quản lý trong lịch sử hậu thế sẽ có thêm nhận thức khoa học về các yếu tố truyền thống và hiện đại trong từng thời điểm lịch sử cụ thể, từ đó có thể vận dụng vào thực tiễn đương đại. Bài học từ quá khứ được tác giả rút ra sẽ là những luận chứng khoa học, thuyết phục, giúp chúng ta có những ứng xử phù hợp cũng như giúp các nhà quản lý có những tham chiếu bổ ích từ quá khứ vào hoạt động hoạch định chính sách phù hợp với tôn giáo Việt Nam hiện nay.
                                                                                                                                                                                                                  K.TH
       


 

 

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội