GIÁO TRÌNH “BẢN QUYỀN, QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN” CỦA TS. ĐỖ THANH HƯƠNG, THS. VŨ CHI MAI

01
01
'70

        Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” yêu cầu cần hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; Khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia. Đồng thời, cũng nêu ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN (trong tổng số 80 tiêu chí cấu thành chỉ số GII, có 8 tiêu chí (chiếm 10%) liên quan trực tiếp đến sở hữu trí tuệ). 

       Trước yêu cầu lý luận và thực tiễn, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa học phần Bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan vào chương trình học bắt buộc với kết cấu gồm 03 tín chỉ thuộc Khối kiến thức chuyên ngành Công nghiệp văn hóa trong chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Văn hóa học.

       Việc giảng dạy học phần Bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan góp phần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, thông qua đó, việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ một cách đúng đắn hơn, là công cụ để bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. TS. Đỗ Thanh Hương, ThS. Vũ Chi Mai biên soạn giáo trình “Bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan”. Nội dung giáo trình trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan của Việt Nam và quốc tế; giúp người học nắm được các quy định của pháp luật, vận dụng trong thực tế và so sánh được với các quy định của quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan; từ đó hình thành thái độ, trách nhiệm và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong môi trường công nghiệp văn hóa hiện nay.

       Giáo trình “Bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan”  được thiết kế gồm 3 chương:

       - Chương 1: Khái quát về pháp luật sở hữu trí tuệ

       - Chương 2: Quyền tác giả và quyền liên quan

        - Chương 3: Bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan

        Giáo trình được biên soạn theo hướng cập nhật kiến thức mới, phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Bên cạnh nội dung quy định của luật là những phân tích làm rõ phần lý thuyết, vận dụng trong một số tình huống thực tế, đồng thời còn đưa ra hệ thống câu hỏi thảo luận giúp người học củng cố và ứng dụng những kiến thức đã được tiếp cận, từ đó hình thành thái độ, trách nhiệm và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong môi trường công nghiệp văn hóa hiện nay. Nội dung giáo trình được Hội đồng trường Đại học Văn hóa TP.HCM nghiệm thu.
       Hình ảnh nghiệm thu giáo trình:

Đại diện nhóm tác giả báo cáo quá trình biên soạn, nội dung giáo trình.

Hội đồng nghiệm thu và nhóm tác giả biên soạn 

(ThS. Vũ Chi Mai, TS.Đỗ Thanh Hương thứ 2,3 từ trái sang)

Tin ảnh: T.H

 

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội